Kể từ đầu năm 2013, Sony đã duy trì liên tục chính sách hai "siêu phẩm" trong một năm. Dòng Xperia Z của hãng đã được phát triển tới thế hệ thứ năm, với chiếc điện thoại Xperia Z3+.
Tuy nhiên nếu như nhìn hình ảnh của cả năm chiếc điện thoại trên, bạn sẽ không nhận thấy được sự khác biệt lớn. Sony rất kiên trì với ngôn ngữ thiết kế OmniBalance, do vậy kiểu dáng của dòng Xperia Z nhìn chung là không thay đổi. Sự thay đổi lớn nhất đến từ cấu hình bên trong, cũng như những cải tiến về linh kiện (màn hình, camera).
Sự khác biệt quá ít khiến cho các điện thoại của Sony không thực sự nổi trội so với thế hệ cũ, do vậy khó thuyết phục người dùng nâng cấp điện thoại. Xperia Z3+ là điện thoại mới nhất của dòng sản phẩm này, nhưng có vẻ nó chưa thoát ra lối mòn trên. Ngay cái tên (Z3+ thay vì Z4) đã thể hiện Xperia Z3+ chỉ là một bản nâng cấp nhẹ của Xperia Z3. Với giá bán 16,9 triệu đồng, Z3+ có phải là một bản nâng cấp đáng giá, hay bạn nên chờ đến khi chiếc Z5 ra mắt vào tháng Chín?
Màn hình và loa:
Màn hình của Z3+ vẫn giữ nguyên thông số so với Z3: IPS LCD 5.2 inch, độ phân giải Full-HD với mật độ điểm ảnh 424 PPI. Tuy nhiên, khi so sánh trực tiếp giữa hai điện thoại này, có thể nhận thấy chất lượng màn hình Z3+ đã được cải thiện đáng kể.
Cụ thể màn hình của Z3+ thể hiện màu đen sâu hơn, do đó độ tương phản khi xem ảnh/phim cao hơn. Màu sắc của màn hình Z3+ hơi ấm, nghiêng về hướng hồng nhạt chứ không xanh, lạnh như trên Z3. Góc nhìn của màn hình vẫn rất tốt, khi nhìn nghiêng thì màu sắc không bị biến đổi nhiều. Tuy nhiên nếu so sánh trực tiếp với các điện thoại như Apple iPhone 6 hay Samsung Galaxy S6 thì vẫn kém một chút.
Khi sử dụng thiết bị chuyên dụng để đo màn hình, thiết bị cho thấy độ sáng tối đa của màn hình Z3+ lên tới 755 nit, là mức rất cao nên máy hiển thị tốt khi dùng ngoài trời. Thông số về độ tương phản của Z3+ cũng rất ấn tượng (1800:1), tuy nhiên độ chính xác màu của Z3+ lại khá kém và bị lệch nhiều, có thể thấy với biểu đồ phía dưới.
Màn hình là điểm luôn được cải tiến qua từng thế hệ Xperia Z. Z3+ có màn hình hiển thị tốt dưới trời nắng, độ tương phản tốt, tuy nhiên khả năng hiển thị màu chính xác vẫn chưa tốt.
Loa của Z3+ được bố trí đều ở hai viền màn hình, khi xoay ngang sẽ trở thành cặp loa kép. Đôi loa này đem lại khả năng tái tạo âm thanh tốt, sống động hơn so với loa đơn trên phần lớn smartphone khác. Mức âm lượng của loa đủ lớn để nghe rõ khi xung quanh hơi ồn, nhưng vẫn thấp hơn một chút so với loa của chiếc HTC One M9. Có thể nói ngoại trừ điện thoại HTC thì loa của Z3+ không "ngán" chiếc điện thoại nào.
Máy ảnh
Độ phân giải máy ảnh sau của Z3+ vẫn giữ nguyên ở mức 20 MP, tuy nhiên máy ảnh trước đã được nâng lên 5.1 MP so với 2.2 MP của Z3. Z3+ cũng là smartphone hiếm hoi hiện còn trang bị nút chụp cứng, với chức năng mở nhanh ứng dụng camera và lấy nét trong khi chụp.
Thao tác mở ứng dụng, lấy nét và chụp, lưu ảnh của Z3+ đều rất nhanh. Tuy nhiên khi quay phim, máy luôn bị khựng khoảng nửa giây cả khi bắt đầu và kết thúc quay. Điều này thể hiện rõ khi xem lại phim, và đây là một điều khá khó chịu.
Giao diện ứng dụng camera trên Z3+ rất quen thuộc, giống với các thế hệ trước gồm hai chế độ chính (tự động cao cấp và thủ công) cùng rất nhiều chế độ phụ. Việc tách tất cả các chế độ chụp ra riêng (kể cả các chế độ như quay 4K, slow motion, chụp panorama) giúp người dùng dễ quản lý hơn, và giao diện chụp cũng thoáng hơn.
Chế độ chụp thủ công trên Z3+ cho phép bạn can thiệp vào rất nhiều điều chỉnh, cả về độ sáng và màu sắc. Thiếu sót duy nhất ở chế độ này là khả năng kéo dài thời gian màn trập để chụp phơi sáng, tuy nhiên chụp phơi sáng trên smartphone hiện tại cũng chưa hiệu quả.
Khi ánh sáng thuận lợi, Z3+ bắt nét, chụp và lưu ảnh đều nhanh. Về độ sáng thì Z3+ đôi lúc cho ảnh hơi thừa sáng. Z3+ cũng thể hiện chi tiết tốt, nhưng kém các máy Android đầu bảng như Galaxy S6 hay G4.
Khi chụp ngược sáng, chế độ HDR của Z3+ không xuất sắc như G4 hoặc S6, ảnh sáng nhưng màu sắc chưa chuẩn, còn nếu không bật HDR thì dải sáng khá hẹp, vùng sáng tối chênh lệch không thể hiện rõ.
Chế độ tự động của Z3+ có xu hướng xử lý màu sắc hơi rực rỡ hơn so với thực tế. Điều này thể hiện rõ nhất với màu xanh. Trong các bức hình chụp dưới đây, màu xanh của biển và bầu trời rực hơn so với thực tế, khiến bức ảnh bắt mắt hơn nhưng không trung thực.
Ở một số tình huống màu sắc phức tạp, Z3+ cũng xử lý chưa thật tốt. Hai bức hình dưới đây chụp ở thời điểm gần nhau, ánh sáng môi trường không thay đổi, vị trí lấy nét và màu là cùng một nơi, tuy nhiên màu ảnh lại rất khác nhau và cả hai đều chưa giống thực tế.
Ở môi trường chụp buổi tối hoặc trong nhà, Z3+ cho ảnh có độ chi tiết trung bình, độ sáng khá hài hòa. Khi ánh sáng ở mức rất thấp, chế độ tự động của Z3+ sẽ đẩy độ sáng của ảnh lên cao hơn nhiều so với thực tế. Ảnh chụp phía dưới được chụp khi trời rất tối, mắt người không nhìn rõ, nhưng khi lên ảnh thì vẫn nhìn được một chút.
Hiệu năng và thời gian sử dụng pin:
Xperia Z3+ là một trong những smartphone hiếm hoi hiện tại sử dụng vi xử lý Qualcomm Snapdragon 810, cùng bộ nhớ RAM 3GB và chip đồ họa Adreno 430. Lý do Snapdragon 810 chưa được sử dụng nhiều trên các smartphone Android đầu bảng là do khả năng kiểm soát nhiệt độ chưa tốt, ảnh hưởng tới cả hiệu năng và trải nghiệm khi sử dụng.
Đáng tiếc là Z3+ chưa khắc phục triệt để được vấn đề này. Khi dùng máy để sử dụng cho các hoạt động thường gây nóng máy như quay phim, lướt web qua 3G hay chơi game nặng thì phần mặt sau của Z3+ gần camera nóng lên khá nhanh. Trong quá trình sử dụng thực tế, máy nóng đem lại cảm giác sử dụng khó chịu.
Chúng tôi cũng dùng một súng bắn nhiệt hồng ngoại để đo thử nhiệt độ của Xperia Z3+ với hoạt động nặng: chạy phần mềm đồ họa GFXBench trong 30 phút. Kết quả cho thấy Z3+ nóng hơn khoảng 3 độ C so với người tiền nhiệm Z3.
Không chỉ gây khó chịu khi sử dụng, nhiệt độ khi hoạt động cao cũng làm ảnh hưởng tới hiệu năng của máy, do nhà sản xuất phải hạn chế xung nhịp của vi xử lý hoặc chip đồ họa. Khi dùng các ứng dụng đánh giá hiệu năng, điểm số xử lý tính toán và đồ họa của Z3+ đều thấp hơn một chút so với những đối thủ cạnh tranh như Samsung Galaxy S6 và HTC One M9, và chỉ tương đương (hơn hoặc kém một chút) chiếc LG G4 sử dụng Snapdragon 808.
Khi dùng máy trong các tác vụ thực tế, Xperia Z3+ đáp ứng tốt mọi tác vụ, khởi động và chuyển giữa các ứng dụng rất nhanh (có phần nhanh hơn một chút so với chiếc LG G4 khi mở các ứng dụng giống nhau). Tuy nhiên khi chơi game nặng thì đôi lúc máy bị giật, khựng, ví dụ như với game EA Sports UFC. Tôi đã không gặp hiện tượng này khi sử dụng chiếc Galaxy S6 để chơi game.
Dung lượng pin của Z3+ là 2930 mAh, thấp hơn một chút so với Z3. Kết hợp với cấu hình được nâng cấp của máy, thời lượng sử dụng pin của Z3+ đã bị ảnh hưởng và kém hơn thế hệ trước. Các kết quả đo thời lượng pin khi xem phim, chơi game hay sử dụng tổng hợp của máy đều kém hơn Z3. Dù vậy với thời lượng pin của mình, Z3+ vẫn đủ đáp ứng đa phần nhu cầu sử dụng trong 1 ngày.
Phần mềm
Sony là một trong những nhà sản xuất hạn chế tùy biến Android, thay vào đó thường phát hành phần mềm gần sát với Android gốc. Do vậy một số phần như khu vực thông báo, cài đặt đều sử dụng giao diện quen thuộc của Android Lollipop 5.0.2.
Giao diện Android gốc không phải là tệ, nhưng cần thừa nhận rằng một số nhà sản xuất đã tùy biến giao diện rất tốt. Ví dụ ở phần thông báo, điện thoại của Samsung hoặc LG chỉ cần vuốt một lần từ viền trên màn hình để mở cả thông báo và cài đặt nhanh, trong khi Sony phải vuốt hai lần (hoặc vuốt bằng hai ngón tay thật từ từ). Phần cài đặt được sắp xếp lại, đưa những cài đặt thông dụng nhất ra ngoài cũng sẽ giúp người dùng tiết kiệm thời gian.
Sony cho phép người dùng thay đổi chủ đề (theme) trên điện thoại, nhưng chủ đề chưa phong phú. Các chủ đề mà Sony cung cấp sẵn thì khá đơn điệu, chỉ gồm một màu sắc chủ đạo cho hình nền và màn hình khóa. Hãng cũng giới thiệu rất nhiều chủ đề đẹp và đa dạng hơn, nhưng rất tiếc là để dùng các chủ đề này thì bạn phải mất tiền.
Một điểm nữa làm tôi thấy hơi khó hiểu, đó là Sony hỗ trợ mở nhanh màn hình khi gõ hai lần, nhưng lại không cho tắt màn hình khi gõ thêm. Điều này khiến cho điện thoại rất dễ bị bật nhầm khi đặt trong túi, khiến máy nóng và tốn pin.
Mặc dù không tùy biến nhiều về giao diện, Sony lại rất tích cực cài đặt các phần mềm của hãng. Chức năng của các ứng dụng rất đa dạng, từ ứng dụng quay phim màn hình và truyền trực tuyến (Live Screen Streaming), tạo và dựng phim ngắn (Movie Creator), sao lưu phục hồi dữ liệu đến bảo mật di động (AVG Protection).
Trong số những phần mềm này, tôi thấy khá thích Lifelog, ứng dụng ghi lại "nhật ký" hoạt động và sử dụng điện thoại trong ngày. Phần lớn các hãng điện thoại khác đều có ứng dụng theo dõi sức khỏe, tuy nhiên Lifelog còn cho bạn biết bạn đã sử dụng điện thoại làm gì, trong khoảng thời gian nào. Một phần mềm khác mà các fan PlayStation sẽ rất thích là PS4 Remote Play, cho phép truyền hình ảnh chơi game từ máy PS về điện thoại qua kết nối không dây.
Nếu như không thích các ứng dụng cài sẵn, bạn vẫn có thể xóa bớt một số đi. Khác với Asus, Sony cho phép người dùng gỡ bỏ một số ứng dụng mà không cần phải root, giúp cho máy đỡ bị "rác".
Kết luận
Qua một thế hệ, Sony Xperia Z3+ đã có một chút nâng cấp so với Z3: cải tiến nhỏ trong thiết kế, màn hình hiển thị tốt hơn, cấu hình cũng tăng một chút. Tuy nhiên, thực sự tôi cảm thấy chiếc điện thoại này có gì đó "nhàn nhạt". Các nâng cấp của máy gần như đều thuộc dạng "tất nhiên phải có", chứ không thực sự đột phá so với thế hệ trước. Việc sử dụng Qualcomm Snapdragon 810 còn đem lại 2 nhược điểm: khiến máy nóng khi sử dụng, và pin không còn tốt như chiếc Z3.
Xét cho cùng, trở ngại lớn nhất của Z3+ là giá bán. Mức giá niêm yết 16,9 triệu đồng của máy cao hơn 3 triệu so với giá của Z3, trong khi sự khác biệt giữa hai máy là không nhiều. Thậm chí bạn có thể tìm được Z3 hàng xách tay với giá chỉ bằng một nửa Z3+. Ngay trong dòng sản phẩm của Sony, Z3+ đã không thực sự hấp dẫn.
Cùng với mức tiền đó, nếu tìm mua điện thoại của hãng khác bạn cũng có rất nhiều lựa chọn. Samsung Galaxy S6 có giá thấp hơn, thiết kế cũng hấp dẫn và một số khía cạnh tỏ ra vượt trội so với Z3+; LG G4 thì giá chỉ tương đương Z3 nhưng cũng là một smartphone cao cấp rất hấp dẫn, nhất là ở khả năng chụp ảnh; và cũng không thể bỏ qua iPhone 6 cho những người thích iOS.
Nếu như thực sự yêu thích Sony và muốn mua máy ngay thời điểm này, bạn có thể cân nhắc Z3+. Tuy nhiên nếu có thể, thì Xperia Z5 (dự kiến giới thiệu vào tháng Chín) được kỳ vọng sẽ mang tới nhiều sự đổi mới về mặt tính năng và đáng chờ đợi.
ĐIỀU 01: THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM
+ Trung tâm bảo hành Vĩnh Phát Service trực thuộc hệ thống bán lẻ Vĩnh Phát Mobile ở địa chỉ 284 Ba Tháng Hai, Phường 12, Quận 10, TPHCM sẽ đảm nhận bảo hành tất cả sản phẩm được bán ra tại 09 showroom của Vĩnh Phát.
+ Thời gian làm việc từ 9h30 – 18h các ngày trong tuần. (Trừ Chủ Nhật và ngày Lễ)
+ Thời gian xử lý sản phẩm bảo hành từ 01 đến 15 ngày làm việc.
ĐIỀU 02: THỜI HẠN BẢO HÀNH.
+ Sản phẩm được bảo hành 12 tháng. (Tất cả các bộ phận của sản phẩm trừ màn hình và phụ kiện)
+ Màn hình và cảm ứng được bảo hành 30 ngày.
+ Một số sản phẩm có chế độ bảo hành đặc biệt, thời hạn bảo hành sẽ căn cứ vào thời hạn được ghi trên phiếu bảo hành.
+ Phụ kiện kèm theo sản phẩm như: sạc, cáp, tai nghe, dock và Pin được bảo hành 30 ngày.
+ Thời hạn bảo hành được tính từ ngày mua căn cứ theo hóa đơn mua hàng và phiếu bảo hành.
ĐIỀU 03: TỪ CHỐI BẢO HÀNH. (Các trường hợp sau sẽ không bảo hành)
+ Hết thời hạn bảo hành theo ĐIỀU 02.
+ Sản phẩm bị mất tem niêm phong hoặc tem bảo hành bị rách, tẩy xóa, chấp vá và không thể nhận dạng.
+ Số Serial hoặc imei trên thân máy và bên trong phần mềm của máy không trùng nhau hoặc không trùng trên phiếu bảo hành.
+ Sản phẩm bị mất bootloader, bị mất DRM key, mất số imei, mất số Serial, treo logo, treo ở chế độ Energy Mode, Download Mode, Recovery Mode, không giao tiếp với máy tính qua cổng USB.
+ Sản phẩm bị tác động của ngoại lực như rớt xuống đất, va đập với vật cứng làm cho sản phẩm bị biến dạng: mốp, cong, vênh, lồi, trầy, xước, gãy, đứt, nứt, mẻ, bể.
+ Sản phẩm bị chất lỏng xâm nhập như nước hay hóa chất làm cho sản phẩm bị ẩm, mốc, gỉ, sét, làm giấy quì tím bên trong máy bị đổi màu.
+ Sản phẩm để gần nhiệt độ cao làm cho sản phẩm bị nóng chảy, biến dạng, màn hình bị nám vàng.
+ Sản phẩm bị thay đổi Firmware và phần cứng bởi sự tự ý của khách hàng hoặc các nơi khác.
+ Sản phẩm bị khóa iCloud, Knox, PassCode, Vân tay, Pattern lock, Security Lock.
ĐIỀU 04: ĐIỀU KIỆN TIẾP NHẬN BẢO HÀNH
+ Sản phẩm còn trong thời hạn bảo hành theo ĐIỀU 02.
+ Sản phẩm không rơi vào các trường hợp ở ĐIỀU 03.
+ Sản phẩm khi đem đến bảo hành phải có giấy bảo hành và kèm theo điều khoản bảo hành có chữ ký xác thực của khách hàng.
+ Sản phẩm hư hỏng được chuyên viên kỹ thuật xác định là lỗi do nhà sản xuất.
ĐIỀU 05: DỮ LIỆU CÁ NHÂN VÀ SIM CARD
+ Vĩnh Phát Service không chịu trách nhiệm với tất cả các loại dữ liệu được lưu trên sản phẩm của của Quí khách trước và sau khi bảo hành.
+ Vĩnh Phát Service tuyệt đối không nhận Sim card và thẻ nhớ của Quí khách khi tiếp nhận sản phẩm bảo hành và cũng không chịu trách nhiệm với các khiếu nại của Quí khách về vấn đề Sim card và thẻ nhớ.
+ Quí khách có nhu cầu về việc sao lưu dữ liệu vui lòng báo trước để nhân viên thực hiện giúp Quí khách trong điều kiện có thể.
ĐIỀU 06: GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VÀ TRANH CHẤP.
+ Khi Quí khách ký vào điều khoản này, điều đó có thể hiểu là Quí khách đã chấp nhận Điều Khoản Bảo Hành do hệ thống bán lẻ Vĩnh Phát Mobile đã đề ra.
+ Trong trường hợp Quí khách có bức xúc về thái độ phục vụ cũng như cách làm việc không đúng của nhân viên tiếp nhận bảo hành, vui lòng gọi số điện thoại phản ánh 19002019 nhấn số 5.
+ Trường hợp sản phẩm bảo hành rơi vào ĐIỀU 03 và bị Vĩnh Phát Service từ chối bảo hành nhưng Quí khách không chấp nhận và cố tình gây rối công cộng. Chúng tôi buộc lòng nhờ đến sự can thiệp của Pháp luật.
Vĩnh Phát Mobile mong muốn được phục vụ và hỗ trợ Quí khách hàng tốt nhất ở mọi thời điểm, vì vậy mong khách hàng đọc kỹ điều khoản bảo hành trước khi quyết định mua sản phẩm.